Có mặt tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) chiều 28/2, Mai Hoa và Thùy Dương, cùng sinh năm 2002, nhanh chóng tìm được cây hoa sưa lớn ở đoạn đối diện đường Lê Duẩn. Những ngày qua, hoa nở rộ, đây là một trong những địa điểm được nhiều người kéo tới chụp hình, đặc biệt vào dịp cuối tuần.
Đôi bạn loay hoay tìm góc chụp đẹp để vừa lấy được cả người, vừa có background phía sau là những cành hoa trắng. Cả hai chủ yếu đứng ở bậc thềm gần hàng rào hoặc lối đi.
“Mình nhận thấy mạng xã hội chia sẻ nhiều bức hình mọi người leo trèo để lấy được khung hình gần các cành hoa hơn. Mình thấy hành động đó khá nguy hiểm, dễ gây tai nạn”, Hoa nói với Zing.
Có sở thích chụp ảnh, thường tìm những địa điểm hút mắt để ghi lại kỷ niệm song Hoa nhận định không nên vì những bức ảnh sống ảo mà bất chấp sự an toàn. Bên cạnh đó, người chụp nên tự chú ý trang phục để tránh gặp sự cố.
“Chắc chắn mình sẽ không trèo lên hàng rào chỉ để chụp ảnh như vậy”, cô khẳng định.
Tìm cách có ảnh đẹp
Theo ghi nhận của Zing, cây hoa sưa lớn trong công viên Thống Nhất, đoạn đối diện đường Lê Duẩn chiều 28/2 đã bớt đông đúc so với dịp cuối tuần, thời điểm khu vực này được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Một số người, chủ yếu là người trẻ, và nhiếp ảnh gia rải rác tới chụp hình.
Không lựa chọn gốc cây hoa sưa đang hot để check-in, Khánh Huyền và Hoài Linh (ngụ huyện Thanh Trì), thảnh thơi chụp hình ở vườn hồng gần đó.
“Ở đây hoa hồng nở cũng đẹp không kém, nếu lát nữa không còn ai, có thể bọn mình mới qua đó chụp”.
Đối với hai người bạn, dù cảnh đẹp tới đâu, sự an toàn khi chụp hình mới là điều quan trọng nhất. Nếu không chụp được lần này, lần khác có thể quay lại, không nên “cố quá”.
Trường hợp người phụ nữ mặc áo dài không phải lần đầu tiên hình ảnh về những người mạo hiểm chụp ảnh check-in lan truyền trên mạng xã hội.
Cuối tháng 3, nhiều người kéo tới chụp hình trước những hàng cây bàng lá nhỏ tại nút giao Quốc lộ 5 với lối lên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, bất chấp có biển báo cấm dừng đỗ, cấm người đi bộ di chuyển vào.
Nhiều người đứng bên mép đường, thậm chí tạo dáng giữa lòng đường cùng trang phục, đạo cụ cầu kỳ để có tấm hình ấn tượng.
Tâm lý yêu thích, thậm chí nghiện chụp ảnh để đăng trên trang cá nhân không phải là điều mới trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội phát triển những năm gần đây.
Theo Zlatan Krizan, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Iowa, việc có những người mạo hiểm để chụp ảnh, đặc biệt là ảnh selfie có thể liên quan đến một khái niệm gọi là so sánh xã hội mang tính cạnh tranh. Trong đó, mọi người có xu hướng so sánh mình với những người khác trên mạng, cố gắng vượt qua bạn bè bằng những bức ảnh để cho thấy cuộc sống của họ thú vị.
“Có một hiện tượng chung là chúng ta tự nâng cao tiêu chuẩn cho chính mình trong việc nhận định thế nào là một bức ảnh selfie thú vị để chia sẻ với mọi người. Chẳng ai muốn bị thua kém”, ông nói trên LiveScience.
Còn theo nhà tâm lý học, Tiến sĩ Tracy Alloway, khi một người nhận được lượt thích hoặc bình luận tích cực dưới bài đăng trên mạng xã hội, một lượng lớn dopamine tạo cảm giác phấn khích được hình thành.
Dopamine cũng giúp củng cố một hành vi nhất định. Vì vậy, nếu một bức ảnh nhận được nhiều lượt thích hoặc sự chú ý tích cực, nó sẽ khuyến khích chủ nhân bức ảnh thực hiện lại hành vi đó.
Trả giá
Không có gì đáng nói khi một người muốn lưu giữ những khoảnh khắc, hình ảnh đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, cần lựa chọn cách thức phù hợp, tuân thủ các quy tắc chung và đảm bảo an toàn cho bản thân.
Trên thế giới, từng có không ít trường hợp phải đánh đổi sức khỏe, thậm chí mạng sống vì những bức ảnh, video sống ảo.
Cuối tháng 1, khi cố quay video ở rìa vách đá dọc theo bờ biển tại Cabo Rojo, Puerto Rico để đăng TikTok, Edgar Garay, sống tại bang Indiana (Mỹ) không may trượt chân ngã xuống từ độ cao 21 m.
Người em họ đi chung đã nhiều lần cảnh báo Edgar lùi lại để giữ an toàn. Sau khi di chuyển ra khỏi vách đá, cô quay lại nhìn thì nhận ra Edgar đã biến mất. Sau gần một ngày, thi thể của Edgar được một đội thợ lặn vớt lên từ một hang động dưới nước. Trên đầu anh có vết thương nặng.
Cùng thời điểm, Richard Jacobson (21 tuổi), đến từ bang Arizona (Mỹ), cũng bỏ mạng khi trượt chân và rơi từ độ cao 213 m khi đang cố gắng chụp ảnh selfie. Trước đó, anh đi bộ lên dãy núi Superstition vào buổi tối và tiến đến vách đá để chụp ảnh.
Tháng 8/2021, Albert Dyrlund, YouTuber Đan Mạch nổi tiếng với nhiều clip ca nhạc và phim hài, không qua khỏi sau khi ngã từ vách đá có độ cao hàng trăm mét ở Italy.
Vụ tai nạn xảy ra khi Albert đang quay video mới cho kênh YouTube của mình tại Forcella Pana thuộc dãy Alps ở Italy. Anh ngã xuống từ vách đá cao gần 200 m. Dù trực thăng cứu hộ nhanh chóng có mặt, Albert đã không qua khỏi và được tuyên bố qua đời tại hiện trường.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.
Thức đêm, biến nhà thành studio để chụp ảnh cho con
Muốn sinh nhật đầu tiên của con gái thật đáng nhớ và ý nghĩa, vợ chồng Ngọc Anh (Hà Nội) tự tay chuẩn bị mọi thứ để cùng con ghi lại những kỷ niệm đẹp.
Kẻ bắt nạt bạn học ở Hàn Quốc hết đường xóa dấu vết
Theo quy định mới, sau khi tốt nghiệp, các thủ phạm bạo lực học đường ở Hàn Quốc vẫn sẽ bị nhà trường lưu giữ án tích đến 2 năm.
Một công chức Trung Quốc miệt thị phụ nữ: 'Cô may mắn mới gặp tôi'
Tự hào là công chức, người đàn ông ở Quý Châu, Trung Quốc, nhắn tin xem thường, chế giễu người phụ nữ khi không được cô chấp nhận hẹn hò.