Đầu năm học, việc thu quỹ lớp luôn là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm và trở thành đề tài gây tranh cãi trên mạng xã hội. Năm học 2022-2023, các khoản thu đầu năm tiếp tục trở thành tâm điểm khi một số hội phụ huynh tại TP.HCM đưa ra kế hoạch thu, chi lên đến cả trăm triệu đồng.
Lớp 1/3 (trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP.HCM), lớp 9/12 và 9/10 (trường THCS Lê Quý Đôn, TP.HCM) là ba cái tên được nhắc nhiều trong những ngày gần đây khi đề cập chuyện thu quỹ lớp.
Ví dụ, lớp 1/3 trường Tiểu học Võ Thị Sáu dự chi 130 triệu đồng tiền quỹ lớp trong năm học 2022-2023. Lớp có 41 học sinh, trung bình mỗi em sẽ đóng hơn 3 triệu đồng. Các khoản thu này sẽ dùng cho hoạt động các ngày lễ trong năm, một phần được trích ra để gửi cho giáo viên, bảo mẫu và gửi quà cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngày 20/11 và Tết Nguyên Đán.
Tương tự, phụ huynh lớp 9/12 trường THCS Lê Quý Đôn cũng lên kế hoạch dự chi cho năm học với tổng chi phí lên đến hơn 270 triệu đồng. Lớp có 33 học sinh, như vậy mỗi em phải đóng hơn 8 triệu tiền quỹ lớp. Phần lớn tiền quỹ được dùng cho hoạt động của trẻ như chụp kỷ yếu, văn nghệ, liên hoan cuối năm...
Ban phụ huynh lớp 9/10 trường THCS Lê Quý Đôn dự trù kinh phí hoạt động ít hơn lớp 9/12, khoảng 165 triệu đồng. Tức là mỗi học sinh sẽ đóng 3,1 triệu đồng tiền quỹ để dùng cho hoạt động ngoại khóa, kỷ yếu, văn nghệ. Một phần khác dành cho việc mua hoa, quà ngày 20/22 và trích gửi giáo viên chủ nhiệm trong 2 học kỳ.
Khi các phản ánh của phụ huynh được đăng tải lên mạng và các phương tiện truyền thông, báo chí, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu và Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn đã làm việc với ban phụ huynh các lớp và yêu cầu dừng thu các khoản quỹ này.
Không thể nói tất cả khoản thu là vô lý
Đề cập các khoản thu cả trăm triệu đồng gây tranh cãi gần đây, ông T.Đ., giáo viên tại Hà Nội, cho rằng những khoản thu trên có vô lý hay không thì rất khó nói vì chưa thể xác định quỹ đã thu, chi cho những mục đích gì và có sự đồng thuận của tất cả phụ huynh hay không.
Nếu ban phụ huynh chi một khoản tiền lớn nhưng được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh thì đây là điều hợp lý. Ngược lại, nếu phụ huynh chỉ chi một khoản tiền nhỏ, nhưng vài người không đồng thuận, điều này lại trở nên vô lý, bất cập.
“Nếu một số phụ huynh không đồng thuận, hội cha mẹ học sinh cần xem xét những phụ huynh này phản đối ở những điểm nào để xem xét, khắc phục”, ông Đ. nói.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) nêu ý kiến tương tự. Những phụ huynh khá giả muốn con có điều kiện học tập thoải mái nên họ cùng nhau gây quỹ, việc tặng quà cho giáo viên, nhân viên trường chỉ là một phần nhỏ trong khoản thu này.
Nếu lớp xảy ra tình trạng một hoặc một số phụ huynh không đồng ý với kế hoạch thu, chi tiền quỹ, hội cha mẹ học sinh không nên bắt ép hay thu cào bằng.
Thầy Khang lấy ví dụ một lớp có 30 phụ huynh, nhưng chỉ có 29 phụ huynh đồng ý thu quỹ và một phụ huynh nhất quyết phản đối thì lớp không nên bắt ép phụ huynh đấy. Các phụ huynh khác có điều kiện hơn thì có thể góp bù vào, cái này là tùy điều kiện của từng người.
Nói tóm lại, việc thu quỹ lớp nên có sự thống nhất. Nếu lớp thống nhất được thì phân bổ đồng đều để thu tiền, còn không thì thôi, không nên bắt ép. Đặc biệt, nhà trường không được phép can thiệp sử dụng phần quỹ này của cha mẹ học sinh.
Thầy T.Đ. cũng chung ý kiến với thầy Nguyễn Xuân Khang là việc thu quỹ cần đạt được sự đồng thuận 100%. Nhà trường không nên can thiệp mà chỉ nên gợi ý những hoạt động phù hợp, có ích cho trẻ để phụ huynh tự xem xét khả năng chi trả và triển khai.
Quỹ lớp nên sử dụng thế nào cho hợp lý?
Nói về việc xây dựng kế hoạch chi tiêu quỹ lớp hợp lý, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), nói rằng đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn công tác thu chi cho ban đại diện cha mẹ học sinh.
Văn bản nêu rõ ban phụ huynh không được phép thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Các khoản đó bao gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của trường, đảm bảo an ninh trường; trông coi phương tiện giao thông của học sinh, vệ sinh lớp, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Thầy Phú nhấn mạnh nếu ban cha mẹ học sinh muốn thu quỹ thì cần tuân thủ chủ trương của bộ, thu chi công khai, minh bạch và phải dựa trên tinh thần tự nguyện của tất cả phụ huynh.
Phần quỹ này không được dùng để phục vụ cho nhà trường mà chỉ nên phục vụ cho hoạt động học tập của trẻ. Nếu ban phụ huynh làm được những điều này, việc thu cả trăm triệu tiền quỹ vẫn có khả năng.
“Thu ít hay thu nhiều, dù đóng một tháng, một kỳ hay một năm, nếu phụ huynh cảm thấy vui vẻ, tự nguyện thì đấy là hợp lý, thu cào bằng thì không còn hợp lý”, thầy Phú nói với Zing.
Là giáo viên công tác tại trường công lập, Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Thượng (Hà Nội), nói rằng nhiều phụ huynh điều kiện kinh tế không quá dư giả để thu chi mạnh tay.
Do đó, dù phụ huynh trực tiếp thu tiền, phía nhà trường vẫn nên có trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn phụ huynh xây dựng kế hoạch thu, chi hợp lý, tránh tổ chức thu cào bằng và gây ra những tranh cãi không đáng có.
Tương tự, thầy T.Đ. khẳng định các nhà trường cũng có trách nhiệm trong việc này. Nếu nhà trường không đồng ý, không phụ huynh nào dám thu quỹ mạnh tay. Việc quán triệt rõ ràng hoạt động thu quỹ sẽ tránh được tình trạng một số phụ huynh “mượn” chuyện thu quỹ để phục vụ mục đích riêng, giống như “mượn hoa cúng phật”.
Tiền quỹ nên cải thiện nhà vệ sinh trường học
Ngoài các khoản quỹ sử dụng cho mục đích học tập của học sinh, thầy Nguyễn Xuân Khang đề xuất ban cha mẹ học sinh có thể trích một phần quỹ để cải thiện nhà vệ sinh cho học sinh (điều này vẫn phải dựa trên tinh thần tự nguyện).
Làm việc trong ngành giáo dục nhiều năm, thầy Khang nhận thấy nhà vệ sinh của nhiều trường công xuống cấp, nhưng trường lại không có kinh phí để thuê lao công, mua giấy vệ sinh hay bảo dưỡng hàng năm. Nhà vệ sinh bẩn, nhiều em phải nhịn không dám đi, gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và tinh thần học tập.
Do đó, phần quỹ của phụ huynh có thể trích ra để bảo dưỡng nhà vệ sinh hàng năm, thuê nhân viên dọn dẹp và mua đủ giấy vệ sinh cho học sinh sử dụng, tránh để vấn đề nhà vệ sinh xuống cấp trở thành “thảm họa” ở trường học.
Quỹ lớp trường công dự chi gần 300 triệu, riêng chụp ảnh 60 triệu đồng
Thêm một lớp học ở trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) bị phản ánh tình trạng ban phụ huynh lớp dự chi quá nhiều khoản và quá nhiều tiền cho các hoạt động chung.
200 triệu người Trung Quốc không có công việc ổn định
Hơn 200 triệu người lao động ở Trung Quốc chọn làm freelancer vì muốn theo đuổi cuộc sống tự do, không bị bó buộc hay phải tăng ca.
TP.HCM cấm các trường dùng quỹ của phụ huynh để mua quà cho giáo viên
Sở GD&ĐT TP.HCM nêu rằng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được sử dụng cho các hoạt động trực tiếp của phụ huynh.