Người ái kỷ được biết đến là những cá nhân đề cao lợi ích bản thân, đặc biệt quan tâm đến quyền lực và địa vị. Họ thu hút sự chú ý bằng cách phô trương sức ảnh hưởng và thành tích.
Trên thực tế, trong một công ty, người ái kỷ thường được cấp trên quan tâm và cân nhắc cho một vị trí lãnh đạo. Thậm chí, trong một khoảng thời gian ngắn, họ đã nắm giữ những vai trò quan trọng.
Dưới đây, Psychology Today đưa ra giải thích về xu hướng thăng tiến nhanh chóng của nhóm người nêu trên.
Mẫu nhân viên gây ấn tượng
Theo các nhà tâm lý học, thói quen thể hiện sức mạnh của người ái kỷ là một cách thức để thăng tiến nhanh chóng. Một nhân viên bình thường dám chấp nhận rủi ro lớn trong công việc luôn thu hút sự chú ý của cấp trên.
Lãnh đạo có thể cho họ là những người biết cách tranh giành và thực thi quyền lực. Đây là dấu hiệu nhận biết một người quản lý tiềm năng.
Ngoài ra, người ái kỷ có một cách thức khác để rút ngắn quá trình thăng tiến là khoe khéo thành tích cá nhân. Khi mạnh dạn khoe hiệu suất và thành tựu trong công việc, nhân viên có thể tạo ấn tượng tốt với sếp.
Tuy nhiên, hành động này đòi hỏi chiến lược thực hiện rõ ràng. Cấp trên luôn dễ dàng nhận ra động cơ của hành vi khoe khoang lố bịch.
Nghiên cứu cho thấy người ái kỷ thường thành thạo các kỹ năng xã hội. Họ tương đối nhạy cảm với cấp bậc và địa vị. Do đó, họ luôn tập trung vào việc gây ấn tượng và kết thân với các cá nhân có tiếng nói trong một tổ chức.
Học gì từ người ái kỷ?
Để lựa chọn một nhân sự cho chức vụ quản lý, cấp trên thường đánh giá mức độ nổi bật của người đó trong công việc.
Việc này ít dựa trên thông tin chi tiết về hiệu suất công việc và thành tựu của nhân viên trong một dự án cụ thể mà là dấu hiệu về tiềm năng tương lai. Những dấu hiệu này bao gồm khả năng thể hiện quyền lực và sức ảnh hưởng.
Nếu mong muốn thăng tiến nhanh trong công việc, bạn không phải người ái kỷ song có thể áp dụng biện pháp trên. Việc tự tin và tỏ ra uy quyền hơn trong công việc sẽ hỗ trợ những bước tiến trong sự nghiệp.
Để được thăng chức, nhân viên cần nhìn xa trông rộng. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ cá nhân, bạn cần tự coi bản thân là một nhà lãnh đạo tương lai. Bạn có thể học cách giao công việc và tạo động lực cho cấp dưới. Khả năng dẫn dắt đó sẽ thu hút sự chú ý của lãnh đạo.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trao đổi trực tiếp với sếp rằng bạn đang quan tâm đến một chức vụ quản lý. Đồng thời, bạn cần thể hiện khả năng đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong công việc. Khi tự khẳng định bản thân đủ tiêu chuẩn cho một vị trí lãnh đạo, bạn đã rút ngắn quá trình thăng tiến.
Tuy nhiên, lời khuyên này không áp dụng với tất cả tổ chức. Tại một số môi trường làm việc đề cao sự hợp tác và hữu nghị, việc thể hiện quyền lực sẽ phản tác dụng. Trong các đơn vị này, người đặt tập thể lên trên cá nhân có khả năng thành công hơn.
Ngoài ra, dù tỏ ra thế nào, điều quan trọng là bạn vẫn cần năng lực thực chất. Việc "đánh bóng" hình ảnh một cách phi thực tế, thể hiện thái quá sẽ khiến bạn càng dễ bị loại khỏi tầm ngắm của cấp trên.