Đức, quốc gia vốn nổi tiếng với tinh thần làm việc chăm chỉ, đang chứng kiến một sự chuyển mình đáng kể trong bức tranh kinh tế toàn cầu.
Theo số liệu thống kê, người Đức chỉ làm việc trung bình 1.343 giờ/năm, thấp nhất trong số 38 quốc gia thuộc OECD. Họ cũng nghỉ ốm 19,4 ngày, một con số cao kỷ lục.
Những thay đổi này thể hiện rõ nét trong xã hội Đức. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, các công đoàn không chỉ yêu cầu tăng lương mà còn đòi hỏi giảm giờ làm.
Giới chuyên gia cũng đồng lòng nhấn mạnh lợi ích của việc nghỉ ngơi, xem đó như giải pháp cho những vấn đề từ kiệt sức, đổ vỡ gia đình, năng suất lao động thấp cho đến biến đổi khí hậu, theo The Wall Street Journal.
Người Đức từng tự coi mình là "workaholic" (những người nghiện công việc). Quốc gia này thậm chí có thể là nơi khai sinh khẩu hiệu động viên. Cuối thế kỷ 19, khăn thêu với câu tục ngữ như “With Joy Do your Duty" (tạm dịch: "Hãy làm việc với niềm vui"), hay “Work is a Woman’s Ornament” (tạm dịch: "Công việc tô điểm cho phụ nữ") phổ biến, khuyến khích làm việc chăm chỉ.
"Thế hệ trẻ không còn làm việc theo tinh thần Kháng cách như cha mẹ. Những hệ lụy từ tư tưởng 'công việc là trên hết' khiến nhiều người sẵn sàng lên tiếng đòi hỏi sự thay đổi", Margareta Steinrücke, đồng tác giả cuốn sách Work less, live more (tạm dịch: Làm ít hơn, sống nhiều hơn), nhận định.
Người Đức đang 'lười' hơn
Hendrik Laeppché, chủ một công ty phân phối phụ tùng công nghiệp ở miền bắc nước Đức, chia sẻ rằng xu hướng "chống lại công việc" đang lan rộng.
Ông đề cập đến một thực tập sinh 23 tuổi tài năng từ chối làm toàn thời gian để có thời gian bán hàng online, hay những nhân viên lớn tuổi muốn giảm tải công việc.
Xu hướng này đang làm dấy lên lo ngại trong giới kinh tế và chính trị gia Đức, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
"Người Pháp, người Italy và những nơi khác, họ làm việc nhiều hơn chúng ta rất nhiều", Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner bày tỏ sự quan ngại về việc người Đức làm việc ít hơn so với các nước khác. Song, ông đưa ra các ưu đãi thuế nhằm khuyến khích làm thêm giờ.
Michael Kretschmer, Thống đốc bang Saxony (Đức), cũng cảnh báo về những nguy cơ kinh tế tiềm ẩn từ việc làm bán thời gian và tuần làm việc 4 ngày đang ngày càng phổ biến.
Trong tiếng Đức, đức tính chăm chỉ được gọi là "Fleiß". Khái niệm này từng là tâm điểm tranh luận chính trị trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro năm 2010. Khi đó, nhiều người Đức bất bình khi phải cứu trợ "những người anh em họ" Hy Lạp, những người nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 và dường như chỉ biết hưởng thụ.
Thế nhưng, tình thế đã đảo ngược. Giờ đây, người Hy Lạp làm việc trung bình tới 1.897 giờ/năm, hơn người Đức tới 554 giờ. Tuổi nghỉ hưu ở Hy Lạp đã tăng lên 67, và một luật mới cho phép làm việc 6 ngày/tuần vừa có hiệu lực vào tháng trước.
Trong khi đó, tại Đức, 50 công ty đang tham gia thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày để xem liệu giảm giờ làm nhưng vẫn trả đủ lương có thu hút người lao động không. EU dự báo kinh tế Hy Lạp sẽ tăng 2,2% năm nay, trong khi kinh tế Đức trì trệ từ 2019.
"Cuộc khủng hoảng đã dạy chúng tôi rằng thành công đến từ nỗ lực. Tôi thuê nhiều người Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha... Người Đức thì ít hơn, bởi khi hiểu rõ hệ thống, họ thường có xu hướng lợi dụng", Alex Kirgiannakis, người Hy Lạp đang kinh doanh nhà hàng tại Berlin (Đức), chia sẻ.
Từ chối 'văn hóa làm việc quá sức'
Tại Đức, Chủ nhật là ngày nghỉ ngơi thực sự, không có hoạt động mua sắm, email tự động trả lời thường là "Tôi đang đi vắng, tin nhắn sẽ không được đọc".
Sinh viên đại học có quyền tự quyết định tốc độ học tập, nhiều người tốt nghiệp sau 30 tuổi. Thậm chí, học sinh chỉ học nửa ngày.
Rick Weinberg, một người Mỹ từng làm quản lý sản phẩm công nghệ thông tin ở Thung lũng Silicon (California, Mỹ), đã sốc khi thấy đồng nghiệp Đức nghỉ trưa suốt 60-90 phút và tan làm sớm lúc 17h30-18h.
Một cuộc thăm dò của YouGov tháng trước cho thấy hơn 1/4 người được hỏi nói dối về bệnh tình khi xin nghỉ ốm. Tình trạng gian lận nghỉ ốm nghiêm trọng đến mức các công ty phải phản ứng, như Tesla thưởng cho nhân viên chuyên cần. Những người ủng hộ phong trào "chống lại công việc" cho rằng người Đức làm việc quá sức, dẫn đến sức khỏe kém.
"Thị trường lao động khan hiếm đã làm thay đổi cán cân quyền lực giữa người sử dụng lao động và người lao động", Enzo Weber, từ Viện Nghiên cứu Việc làm, cho biết.
Khi Anne Wilhelm (32 tuổi) từ bỏ công việc bán lẻ để chuyển sang làm tư vấn tổ chức, thời gian làm việc chỉ 20 giờ/tuần, cô rất vui vì có thêm thời gian cá nhân để tự học thiết kế đồ họa. Hiện cô sống ở Indonesia, có thời gian tình nguyện, làm các dự án thiết kế và quản lý Airbnb của mình.
Trải nghiệm này đã thay đổi quan điểm của cô về khái niệm "làm việc quá sức".
"Người dân ở đây làm việc đồng áng từ sáng đến tối và xem đó là điều bình thường. Điều này khiến tôi nhìn nhận lại. Đôi khi, tôi tự hỏi phải chăng chúng ta đang quá lo lắng về một vấn đề vốn không đáng?", cô nói.
Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.