Theo Carscoops, “cuộc chiến” chống lại làn sóng ôtô giá rẻ từ Trung Quốc vẫn đang được tiếp tục khi Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia mới nhất tuyên bố sẽ áp thuế 40% đối với ôtô nhập khẩu từ quốc gia tỷ dân. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ thông báo sẽ tăng mức thuế nhập khẩu bổ sung dành cho xe điện Trung Quốc, từ 25% lên thành 100%.
Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết động thái này nhằm giúp bảo vệ cán cân thanh toán của quốc gia liên lục địa Á-Âu, đồng thời giúp bảo vệ ngành công nghiệp ôtô địa phương. Theo đó, mức thâm hụt thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt đến con số 45,2 tỷ USD trong năm 2023.
Chính sách thuế của Thổ Nhì Kỳ thậm chí nhắm thẳng vào những mẫu xe giá rẻ của Trung Quốc khi đặt định mức tối thiểu 7.000 USD trên mỗi xe. Ví dụ, nếu mức thuế nhập khẩu tương đương 40% giá trị xe nằm dưới mốc 7.000 USD, chiếc xe đó vẫn sẽ bị đánh thuế nhập khẩu bổ sung ở mức 7.000 USD.
Trước đó từ năm 2023, các mức thuế bổ sung đã được áp dụng với ôtô điện nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tạo tiền đề cho sự ra mắt của TOGG T10X, mẫu xe điện đầu tiên do quốc gia này tự sản xuất. Hiện nay, phạm vi áp thuế đã được Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng và sẽ bao gồm cả xe hybrid cũng như ôtô sử dụng động cơ đốt trong có nguồn gốc Trung Quốc.
Đây được xem là “đòn đau” mới nhất giáng vào ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng ôtô giá rẻ từ quốc gia này xâm chiếm các thị trường toàn cầu.
Trong một diễn biến tương tự, Liên minh châu Âu cũng chuẩn bị công bố những mức thuế tương tự dành cho xe điện Trung Quốc trong tuần này. Tuy nhiên theo Carscoops, chính quyền lục địa già cần phải hành động một cách thận trọng, bởi các nhà sản xuất ôtô châu Âu đang phụ thuộc khá nhiều vào doanh số ở thị trường Trung Quốc, trong khi không ít hãng xe cũng đặt nhà máy trên lãnh thổ của quốc gia tỷ dân.
Được biết, mức thuế nhập khẩu mới sẽ được Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng cho ôtô Trung Quốc bắt đầu từ ngày 7/7 sắp tới.
Trước những diễn biến có phần bất lợi nói trên, BYD và Chery được cho là sắp đầu tư một khoản đáng kể vào Thổ Nhĩ Kỳ để thiết lập cơ sở lắp ráp ôtô ngay tại quốc gia này.
Ông Fatih Kacir - Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ - xác nhận chính quyền nước này đang thảo luận không chỉ với BYD hay Chery mà còn với cả SAIC và Great Wall Motors.
“Chúng tôi mong muốn hoàn tất cuộc đàm phán càng sớm càng tốt với BYD và Chery”, ông Fatih Kacir chia sẻ.
Theo Carscoops, việc thiết lập các nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể mang lại lợi ích to lớn cho các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, bởi quốc gia này đang sở hữu thỏa thuận về thuế quan với Liên minh châu Âu.
Xe thuần điện cũng khá được ưa chuộng tại Thổ Nhĩ Kỳ khi nắm giữ khoảng 7,5% thị phần xe mới tại quốc gia này vào năm 2023. Con số nói trên dự kiến có thể tăng lên khoảng 30,4% khi năm 2032 khép lại, theo Carscoops.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.
Thêm một hãng xe Trung Quốc 'xâm chiếm' Đông Nam Á
Lô xe đầu tiên của Zeekr đã lăn bánh khỏi nhà máy sản xuất tại Trung Quốc và chuẩn bị giao đến tay khách hàng tại Malaysia và Indonesia từ quý III năm nay.
Khó khăn bao phủ ngành xe điện Trung Quốc
Cuộc tranh cãi mới đây giữa BYD và Huawei phần nào cho thấy những khó khăn các nhà sản xuất EV đang gặp phải tại chính quê nhà khi cuộc chiến giá bùng nổ.
Hàng loạt mẫu xe Trung Quốc đổ bộ thị trường Việt Nam
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, thị trường Việt ghi nhận sự góp mặt của hàng loạt mẫu xe mới từ Trung Quốc từ xe điện đến động cơ đốt trong và xe hybrid.