Thay vì theo đuổi những công việc truyền thống, những đứa con toàn thời gian này được bố mẹ thuê để đảm nhận các công việc nhà và chăm sóc gia đình, đổi lại nhận được sự hỗ trợ về tài chính.
Trên Douban, một nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, diễn đàn giao lưu công việc của con cái toàn thời gian đã thu hút khoảng 4.700 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, hashtag "con trai, con gái toàn thời gian" trên Xiaohongshu (mạng xã hội được coi là Instagram của Trung Quốc) cũng đạt được hơn 3,1 triệu lượt xem.
Chọn làm 'con cái toàn thời gian'
Theo SCMP, một số người cho rằng xu hướng này chỉ đơn thuần là sự tái xuất hiện của "boomerang kids" (thế hệ ăn bám - PV) xuất hiện vào những năm 2000.
Thường bị gắn mác "trở về nhà ăn bám" hay NEET (Not in Education, Employment, or Training - không học hành, không làm việc, không đào tạo), các chuyên gia khẳng định con cái toàn thời gian không hẳn là một hiện tượng mới.
Sự khác biệt lớn nhất với thế hệ ăn bám là trong số những đứa con toàn thời gian, nhiều người đã nỗ lực để thăng tiến trong sự nghiệp của mình. Cùng với đó là thế hệ hiện tại coi việc chăm sóc cha mẹ như những công việc khác, đòi hỏi tính sẵn sàng cao và sự quan tâm về mặt tình cảm.
Một mô tả về vai trò của con cái toàn thời gian nêu rõ: "Bạn phải luôn trong tư thế sẵn sàng trả lời tin nhắn của bố mẹ và nghe điện thoại bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Bạn không bao giờ được từ chối, ngay cả những vấn đề nhỏ nhất. Bạn luôn trò chuyện với họ, dùng cách nắm tay hoặc ôm để thể hiện sự hỗ trợ về mặt tình cảm, đồng thời luôn là người chủ động hòa giải trong các cuộc tranh cãi".
Nianan, một phụ nữ 40 tuổi đang làm con gái toàn thời gian, cho biết thói quen hàng ngày của cô bao gồm nhảy múa với bố mẹ trong vòng một giờ vào buổi sáng, đi cùng họ đến cửa hàng tạp hóa và nấu ăn tối với bố.
Ngoài ra, Nianan còn xử lý tất cả công việc liên quan đến thiết bị điện tử trong nhà, đóng vai trò là tài xế cho gia đình và tổ chức 1-2 chuyến đi chơi gia đình mỗi tháng.
Đổi lại, cô nhận được 4.000 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu đồng) mỗi tháng, được coi là mức lương ổn định của tầng lớp trung lưu ở một số vùng tại Trung Quốc.
Theo SCMP, mức thu nhập trung bình của con cái toàn thời gian dao động 3.000-6.000 nhân dân tệ (10,5-21 triệu đồng), tùy thuộc vào mức độ giàu có của từng gia đình.
Thoát khỏi guồng quay khốc liệt của thị trường lao động
Với 11,79 triệu cử nhân đại học gia nhập lực lượng lao động Trung Quốc trong năm nay, nhiều thanh niên coi việc làm con cái toàn thời gian là một sự giải thoát khỏi thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động từ 16-24 tuổi tại Trung Quốc tăng liên tục trong 6 tháng, chạm mức kỷ lục 21,3% vào tháng 6.
Đối mặt với môi trường việc làm khó khăn này, giới trẻ Trung Quốc chọn "nằm yên" hay "chết mòn", tương tự tâm lý của những đứa con toàn thời gian.
Tuy nhiên, không phải tất cả con cái toàn thời gian đều theo chủ nghĩa mặc kệ. Nhiều người trong số họ tận dụng thời gian rảnh để ôn thi các kỳ thi tuyển công chức hoặc cao học.
Một con gái toàn thời gian đã chia sẻ trên Douban rằng cô đã dành 3 năm làm việc cho bố mẹ và cuối cùng thi đỗ vào vị trí giáo viên trường công.
"Ba năm thật dài, đầy ắp những giằng xé lựa chọn, lo lắng về tương lai và tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ vô điều kiện từ gia đình", cô viết.
Nhưng không phải giải pháp
Trong bối cảnh dân số Trung Quốc già hóa nhanh chóng, một lợi ích tiềm năng của con cái toàn thời gian là giúp giảm bớt một phần áp lực đối với các dịch vụ xã hội.
Dữ liệu cho thấy trong thập kỷ tới, gần 1/3 dân số, tương đương 400 triệu người, sẽ rời khỏi lực lượng lao động Trung Quốc.
"Ở Trung Quốc, cha mẹ phụ thuộc con cái về mặt tình cảm, trong khi con cái phụ thuộc cha mẹ về mặt tài chính", nhà nghiên cứu Liu Wenrong, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sixth Tone.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo xu hướng con cái toàn thời gian không phải là giải pháp bền vững cho tình trạng thiếu việc làm và dân số già hóa.
"Lời nhắc nhở lớn nhất của tôi đối với các bậc cha mẹ là hãy để con cái tự lập, ở riêng. Nếu không, bạn sẽ hủy hoại chúng", nhà nghiên cứu giáo dục Chen Zhiwen nói.
Trong quá trình sống chung, căng thẳng giữa con cái toàn thời gian và cha mẹ họ là điều không thể tránh khỏi. Một con gái toàn thời gian đã chia sẻ câu chuyện của mình, cho biết bố mẹ cô thất vọng sau 6 tháng con làm việc ở nhà.
"Con thi nghiên cứu sinh không đậu, thi vào nhà nước không được, các công ty tư nhân cũng khó khăn, 25 tuổi rồi mà vẫn chưa kết hôn. Con đã đạt được gì? Bạn bè cùng trang lứa đều đã vượt trội hơn con rồi", bố mẹ của cô gái nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.