Không ít người đã đặt câu hỏi về việc có phải phụ nữ đang phải trả tiền nhiều hơn nam giới, giống như một khoản "thuế hồng" - từ lóng dùng để ám chỉ việc các sản phẩm và dịch vụ dành cho phụ nữ có giá cao hơn so với nam giới mà không có lý do rõ ràng, phản ánh sự phân biệt dựa trên giới tính.
Các số liệu hiện có phần nào giải thích được cho nỗi thất vọng của phái nữ.
Năm ngoái, tại Mỹ, chi phí trung bình cho một lần cắt tóc tiêu chuẩn của phụ nữ là 51,71 USD so với 34,56 USD cho một lần của nam giới, theo dữ liệu giao dịch được Square, một nhà cung cấp hệ thống thanh toán, cung cấp độc quyền cho CNN.
Có thể tìm thấy kiểu tóc rẻ nhất cho phụ nữ ở Nam Dakota với giá 31,43 USD - vẫn đắt hơn 1,5 lần so với mức 21,59 USD mà nam giới phải trả cho kiểu tóc rẻ nhất của họ, cũng ở tiểu bang đó.
Tại Anh, dữ liệu cũng phản ánh sự chênh lệch. Năm 2020, một cuộc khảo sát người tiêu dùng Vương quốc Anh của YouGov cho thấy phụ nữ trả trung bình 31,99 bảng Anh (40,8 USD) cho một lần cắt tóc cơ bản, có thể bao gồm gội và sấy khô. Con số này cao gấp đôi mức trung bình 12,17 bảng Anh (15,5 USD) mà nam giới phải trả cho cùng một dịch vụ hoặc dịch vụ tương tự.
Theo tính toán của YouGov, trong suốt một năm, phụ nữ thường phải trả 135 bảng Anh (172 USD) cho việc cắt tóc, trong khi đàn ông trung bình chi 70 bảng Anh (89 USD.
"Mặc dù phụ nữ có xu hướng cắt tóc ít thường xuyên hơn, điều đó vẫn không đủ để bù đắp cho sự chênh lệch về giá mà họ phải trả", Matthew Smith, người đứng đầu bộ phận báo chí dữ liệu tại YouGov, đã viết vào thời điểm đó.
Tại sao phụ nữ tốn tiền nhiều hơn?
Có nhiều lời giải thích dành đối với sự chênh lệch giá cả giữa nữ và nam cho cùng một loại dịch vụ ở salon. Nhưng nhìn chung vấn đề rất phức tạp.
Có vô số kiểu cắt tóc, nhuộm tóc và chăm sóc tóc được cung cấp bởi nhiều tiệm làm tóc. Và những doanh nghiệp này tuyển dụng những người có trình độ, kỹ năng và được đào tạo khác nhau để làm việc với những vị khách có mái tóc kết cấu, độ dài khác nhau.
Theo Fred Jones, cố vấn pháp lý tại Liên đoàn Làm đẹp Chuyên nghiệp California, một tổ chức thương mại đã mở rộng đại diện cho các doanh nghiệp và người lao động chăm sóc tóc trên khắp các tiểu bang của Mỹ, thì có sự khác biệt rất lớn về loại trải nghiệm mà khách hàng tìm kiếm.
"Các salon có đủ loại dịch vụ cao cấp kéo dài nửa ngày, có rượu sâm panh, rượu sủi bọt, hay dịch vụ 'cắt tóc nhanh, 15 phút rồi ra về'", ông nói. Jones cho biết tính không đồng nhất đó khiến cho việc xác định liệu phụ nữ có phải trả giá cao hơn chỉ vì giới tính của họ hay không trở nên "rất khó khăn".
Ông nói thêm rằng: "Không ai muốn phân biệt đối xử trong ngành của chúng tôi. Nếu có tiếng xấu về việc tiệm của bạn phân biệt đối xử trên bất kỳ phương diện nào bị phát tán, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng".
Tara Farmer, biên tập viên tại Fash, một trang web kết nối người tiêu dùng với các doanh nghiệp địa phương trên khắp nước Anh, cho biết sự khác biệt về độ dài tóc điển hình là lý do chính khiến giá làm tóc của phụ nữ cao hơn so với nam giới.
Farmer đã viết trong báo cáo về vấn đề này vào tháng 1 rằng: "Việc cắt tóc của phụ nữ thường mất nhiều thời gian hơn so với cắt tóc của nam giới, và thường liên quan đến việc xử lý tóc dài hơn cũng như sử dụng thêm các sản phẩm, dụng cụ và kỹ thuật tạo kiểu khác".
Báo cáo này cho thấy chi phí trung bình để cắt tóc cho phụ nữ dao động 45-75 USD, trong khi chi phí cho nam giới trong khoảng 25-50 USD, mặc dù trong đó không nêu rõ liệu việc cắt tóc thông thường cho phụ nữ có bao gồm các dịch vụ bổ sung như sấy khô hay không.
Các dịch vụ bổ sung như nhuộm tóc có thể dễ dàng đẩy giá lên tới 3 chữ số. Theo dữ liệu của Fash, chi phí trung bình cho kiểu nhuộm balayage highlight - kiểu nhuộm trông tự nhiên tập trung thuốc nhuộm vào phần ngọn tóc - là 175 USD vào năm 2022.
Caroline Larissey, giám đốc điều hành của National Hair & Beauty Federation (NHBF), một tổ chức thương mại của Anh, nói với CNN rằng phụ nữ có nhiều khả năng yêu cầu các dịch vụ bổ sung như vậy hơn nam giới. "Phụ nữ thường được gội đầu, dưỡng tóc, chăm sóc cũng như cắt và sấy khô, trong khi nam giới đến tiệm cắt tóc thường sẽ cắt tóc khô", bà nói.
Mặc dù vậy, theo Larissey, nhìn chung, phụ nữ vẫn bị tính phí cao hơn khoảng 2,5 lần so với nam giới cho một lần cắt tóc. Tuy nhiên, Larissey cho biết có những "nhóm" trong ngành đã bắt đầu tính phí khách hàng dựa trên thời gian ngồi trên ghế thay vì tính tiền theo giới tính, đây là một động thái mà NHBF đã tích cực khuyến khích.
"Chúng tôi phải thích nghi với tư cách một ngành công nghiệp", bà nói.
Tính tiền theo thời gian, độ dài tóc
Kristin Rankin, một nhà tạo mẫu tóc tại Thành phố New York, cho rằng chúng ta nên xóa bỏ hoàn toàn việc định giá theo giới tính. "Khi bạn đến trường thẩm mỹ để trở thành nhà tạo mẫu tóc, bạn sẽ học cách cắt tóc. Sự ngụy biện này khi học cách cắt tóc nam (so với) tóc nữ là vô lý", Rankin nói với CNN.
Năm 2016, Rankin thành lập Dự án Dresscode, một tổ chức phi lợi nhuận đào tạo các nhà tạo mẫu tóc và chủ tiệm làm tóc để tạo ra môi trường khẳng định bản dạng giới tính của mọi người, trong nhiều trường hợp, sẽ không phù hợp với các phạm trù nhị phân "đàn ông" hoặc "phụ nữ".
Họ cho biết có hai cách để thực hiện điều đó là tính phí khách hàng dựa trên độ dài tóc của họ hoặc thời gian cắt. Rankin nói thêm rằng "Định giá theo giới tính tạo ra một bầu không khí khiến việc phân biệt giới tính trở nên dễ dàng hơn nhiều" và điều này có thể "gây ra tác động tâm lý rất lớn".
Goldie x Bob là một trong những tiệm làm tóc như vậy. 5 năm trước, họ đã đưa ra bảng giá dựa trên giới tính. "Bây giờ, khách hàng trả tiền cho thời gian và chuyên môn, và điều đó không liên quan gì đến giới tính", Liz Burns, người sáng lập tiệm làm tóc có trụ sở tại Denver, cho biết.
Việc cắt tóc ngắn được tự động đặt lịch trong một giờ. "Nhưng nếu chỉ mất 30 phút, thì khách hàng chỉ trả tiền cho 30 phút. Không có mức giá cố định", Ashlie Heath, quản lý tiệm, nói với CNN.
Trước khi chuyển đổi, Goldie x Bob tính phí trung bình 60 USD cho nam giới tóc ngắn cho dịch vụ gội đầu và cắt tóc cơ bản. Phụ nữ thường phải trả 85 USD cho dịch vụ tương tự.
Burns nói với CNN rằng sự chênh lệch giá là bởi thực tế khách hàng nữ của cô thường có mái tóc dài hơn, cần sấy khô và mất nhiều thời gian hơn để tạo kiểu. Trong khi đó, những khách hàng có mái tóc ngắn sát đầu - thường là nam giới - cần ít kiểu tóc hơn và thường không ngại để tóc khô tự nhiên.
Nhưng Burns cho biết "việc tiếp tục theo hướng đó có vẻ nhàm chán và lỗi thời", đồng thời nói thêm rằng việc chuyển sang mức giá trung lập về giới là một nỗ lực nhằm "thúc đẩy tính hòa nhập và công bằng".
Cô đã nhận thấy sự gia tăng về số lượng khách hàng nam và khách thuộc cộng đồng LGBTQ+ tới cửa hàng sau khi chuyển đổi.
"Tóc không có giới tính nào cả. Chúng chỉ là tế bào chết trên đầu của bạn", Rankin, tại Dresscode Project, bày tỏ sự ủng hộ.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.